Thứ Bảy, 8 tháng 12, 2012

Nhà cổ Huỳnh Phủ - Bến Tre


Nhà cổ Huỳnh Phủ - Bến Tre

Nhà cổ Huỳnh Phủ (xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre) là một công trình kiến trúc điêu khắc gỗ độc đáo, mang đặc trưng miền sông nước Cửu Long do ông Huỳnh Ngọc Khiêm (1843-1927) để lại. Nhà cổ Huỳnh Phủ đã được Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch Việt Nam công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 2011.
Ông Huỳnh Ngọc Khiêm là người miền Trung vào Nam lập nghiệp từ lúc còn tay trắng cho đến khi sự nghiệp giàu có vào bậc nhất ở vùng cù lao Minh và đất Bến Tre lúc bấy giờ. Theo những cao niên xã Đại Điền kể lại, việc xây dựng và hoàn thành ngôi nhà có nhiều chuyện đã trở thành giai thoại. Chuyện rằng, người thợ lúc kéo gỗ khởi công làm nhà ăn bưởi và ném hột quanh nhà, hột bưởi nẩy mầm thành cây, lớn lên cho trái chín mà ngôi nhà vẫn chưa xong. Ngôi nhà làm lâu đến mức các thợ lúc dựng nhà còn bé, khi lớn lên được ông đứng ra lo việc vợ con rồi mà vẫn chưa hoàn thành. Theo căn cứ là bức hoành phi mừng tân gia họ Huỳnh của Tri huyện Bảo An Thái Hữu Võ tặng vào năm Giáp Thìn (huyện Bảo An thuộc cù lao Bảo, tỉnh Bến Tre lúc bấy giờ) thì ngôi nhà được hoàn thành trước năm Giáp Thìn (1904). Vì thế, có thể ngôi nhà được xây dựng vào khoảng cuối thập niên 80 hoặc đầu thập niên 90 của thế kỷ XIX.
Họa tiết khắc gỗ là những bức tranh sinh động, mô tả cảnh vật thiên nhiên của vùng sông nước
Họa tiết khắc gỗ là những bức tranh sinh động, mô tả cảnh vật thiên nhiên của vùng sông nước. (Ảnh: Lê Minh)
Anh Huỳnh Ngọc Hồng, cháu đời thứ 6 rất nhớ những giai thoại về ngôi nhà cổ của dòng họ
Anh Huỳnh Ngọc Hồng, cháu đời thứ 6 rất nhớ những giai thoại về ngôi nhà cổ của dòng họ. (Ảnh: Nguyễn Luân)
Song sắt nhà cổ Huỳnh Phủ mang dáng dấp kiến trúc Pháp.
Song sắt nhà cổ Huỳnh Phủ mang dáng dấp kiến trúc Pháp. (Ảnh: Nguyễn Luân)
Mái lợp ngói âm dương, bên dưới là lớp ngói có hoa văn
Mái lợp ngói âm dương, bên dưới là lớp ngói có hoa văn. (Ảnh: Nguyễn Luân)
Nhà cổ Huỳnh Phủ nay thuộc địa phận xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre.
Nhà cổ Huỳnh Phủ nay thuộc địa phận xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre. (Ảnh: Nguyễn Luân)
Bà Hồ Thị Như 75 tuổi (bên trái), cháu dâu đời thứ 6 của ông Huỳnh Ngọc Khiêm, hiện đang sống tại nhà cổ Huỳnh Phủ. (Ảnh: Nguyễn Luân)
Bà Hồ Thị Như 75 tuổi (bên trái), cháu dâu đời thứ 6 của ông Huỳnh Ngọc Khiêm, hiện đang sống tại nhà cổ Huỳnh Phủ. (Ảnh: Nguyễn Luân)
Nhà cổ Huỳnh Phủ hiện tại gồm ngôi nhà chính có diện tích trên 500m2 với một căn phụ bằng gạch nối liền ở góc phải. Nhìn từ bên ngoài và theo các hàng cột phía trước của ngôi nhà, ta thấy có chín gian, nhưng thực ra đây là ngôi nhà ba gian được mở rộng ra bốn phía, một kiểu nhà rất to ngày xưa và chỉ những người thật sự giàu mới có khả năng xây dựng. Nhà xây dựng trên nền cao 0,7m, chung quanh được kè đá xanh, thềm cũng được viền bằng loại đá này. Nhà có 80 cây cột, trong đó 48 cột gỗ và 32 cột gạch (thay cho cột gỗ bị hư hỏng vào những năm 1945 - 1954), làm theo kiểu nhà nhà rường ở Huế. Hai hàng cột cái gồm 8 cây đứng song song nhau. Các cây cột cái cao trên 5,5m, chu vi 1,2m, gắn kết với nhau từng cặp theo chiều ngang bởi các cây trính và theo chiều dọc mỗi hàng có một thanh gỗ dài xuyên qua bốn cây cột. Mái lợp ngói âm dương, bên dưới là lớp ngói có hoa văn. Hai đầu song được xây kín và trang trí hình một bông hoa 4 cánh.
Nội thất và sườn nhà làm bằng các loại gỗ có giá trị cao như: lim, thau lau. Nội thất chia thành 2 phần: từ cột nhất của mặt hậu vào phục vụ sinh hoạt gia đình, từ cột nhất của mặt hậu trở ra cột hàng nhì của mặt tiền sử dụng vào việc thờ tự. Phía tả thờ Cửu Huyền Thất Tổ, giữa thờ Phật Bà Quan Âm, phía hữu thờ ông, bà Huỳnh Ngọc Khiêm. Khánh thờ Phật Bà Quan Âm chạm trổ long, lân, phụng theo lối song phụng tranh châu, nền đế là hai kỳ lân đối diện, cùng nhe nanh, mặt hướng ra ngoài, chân trụ chạm rồng ba móng, mặt hướng lên trên (theo truyền tụng rồng ba móng thường dành cho dân thượng lưu, rồng bốn móng dành cho quan lại, rồng năm móng dành cho vua).
Lư hương bằng gỗ trên bàn thờ gia phả. (Ảnh: Nguyễn Luân)
Lư hương bằng gỗ trên bàn thờ gia phả. (Ảnh: Nguyễn Luân)
Công đoạn chạm khắc gỗ đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật

Công đoạn chạm khắc gỗ đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật. (Ảnh : Lê Minh)
Các vật dụng trong nhà cổ Huỳnh Phủ toát lên vẻ cổ kính
Các vật dụng trong nhà cổ Huỳnh Phủ toát lên vẻ cổ kính. (Ảnh : Lê Minh)
Bộ bàn ghế cổ khảm xà cừ và đá với các họa tiết cầu kì, tinh xảo.
Bộ bàn ghế cổ khảm xà cừ và đá với các họa tiết cầu kì, tinh xảo. (Ảnh : Lê Minh)
Phong cách điêu khắc nhà rường” Huế
Phong cách điêu khắc nhà rường” Huế. (Ảnh: Lê Minh)
Tất cả các bức hoành phi, bài vị, biển đề… đều viết bằng chữ Hán, khắc vào gỗ, chạm trổ hoa văn công phu, sơn son thiếp vàng, có tuổi đời tương đương với tuổi thọ ngôi nhà. Các tấm chạm đã đạt tới trình độ cao của nghệ thuật chạm khắc gỗ. Đó là những bức tranh sinh động mô tả cảnh vật thiên nhiên vùng sông nước, của vùng đất cù lao bốn mùa cây xanh, trái ngọt, cảnh vật thanh bình, chim muôn ca hát, cùng các loại sinh vật khác... Tiền công thù lao cho thợ không tính bằng ngày công mà tính bằng khối lượng dăm bào sau một ngày lao động. Mỗi chén dăm bào được trả 5 cắc bạc, riêng thợ cái được trả 2 đồng/ngày, cơm nước chủ nhà đài thọ (thời gian này một giạ lúa bằng 1,8 cắc bạc). Ông Huỳnh Ngọc Khiêm vốn là người tỉ mỉ nên dù giá công cao nhưng thợ không được làm quá một chén dăm bào/ngày vì như vậy cho là làm dối.
Cách trang trí nhà cổ Huỳnh Phủ thể hiện sự phóng khoáng của các bậc thầy trong việc kết hợp đề tài dân dã là các loài động, thực vật quen thuộc với cuộc sống hàng ngày của cư dân địa phương như chuồn chuồn, chim, mãng cầu… xen với các đề tài theo khuôn mẫu đã có như tứ linh, tứ quý, tứ thời... Các mô típ phương Tây cũng xuất hiện một cách nhuần nhuyễn như hoa hồng, nho, sóc, chuỗi ngọc... Đây là một di tích kiến trúc có nhiều chất liệu mỹ thuật quý giá, đánh dấu một giai đoạn trong lịch sử trang trí của mỹ thuật truyền thống Việt Nam tại Nam Bộ.
Khu mộ cách ngôi nhà cổ 3km thuộc xã Phú Khánh có diện tích 966m2, được xây  năm Tân Hợi (1911). Vật liệu xây dựng là đá xanh từ hàng rào bên ngoài cho đến phần lăng mộ bên trong. Rào cao khoảng 1,5m gồm 2 phần: phần trên là những thanh đá được cắt hình chữ nhật hoặc hình tam giác, phần dưới là những phiến đá nguyên.
Anh Huỳnh Ngọc Hồng, cháu đời thứ 6, thăm non và chăm sóc hai ngôi mộ tổ tiên
Anh Huỳnh Ngọc Hồng, cháu đời thứ 6, thăm non và chăm sóc hai ngôi mộ tổ tiên. (Ảnh: Nguyễn Luân)
Phù điêu kỳ lân trên ngôi mộ cổ.
Phù điêu kỳ lân trên ngôi mộ cổ. (Ảnh: Nguyễn Luân)
Bức họa chân dung ông bà Huỳnh Ngọc Khiêm, người đã cho xây dựng nhà cổ Huỳnh Phủ.
Bức họa chân dung ông bà Huỳnh Ngọc Khiêm, người đã cho xây dựng nhà cổ Huỳnh Phủ. (Ảnh: Nguyễn Luân)
Hai ngôi mộ của ông bà Huỳnh Ngọc Khiêm làm giống nhau theo kiểu lăng mộ với tường đá cao bao bọc xung quanh. Chân mộ là tấm bia cao 1,5m, rộng 1,2m, có mái che với hoa văn trên nóc và chân bia. Tất cả đều được chạm khắc tinh xảo trên chất liệu đá.
Bài: Nguyễn Oanh - Ảnh: Lê Minh, Nguyễn Luân
Báo Ảnh Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét