Thời kỳ trước 1975 có một dạo thiên hạ, báo chí đề cập khá nhiều về “bánh bao Cả Cần”, không phải ở cái bánh bao ngon, mà vì nó có liên quan đến người nữ nghệ sĩ tài danh Bà Năm Sa Ðéc, và câu chuyện như sau :
Số là sau biến cố Tết Mậu Thân nghệ thuật cải lương khốn đốn, nghỉ hát dài dài, nghệ sĩ ai cũng phải tìm thêm một nghề khác để sống tạm chờ thời. Và riêng Bà Năm Sa Ðéc thì làm thêm nghề bán bánh bao tại đường Nguyễn Tri Phương ở gần Ngã Sáu Chợ Lớn. Lúc đầu bà chỉ gởi nhờ một nồi hấp bánh bao trong tiệm ăn, và chỉ dùng phấn viết chữ “bánh bao Cả Cần” trên tấm bảng nhỏ dựng trước nồi hấp bánh.
Là một nghệ sĩ được nhiều người biết tên, biết mặt nên được bà con mua bánh ủng hộ khá nhiều, và dần dần thì chiếc nồi hấp bánh lớn hơn, tấm bảng vẽ bằng sơn cũng lớn hơn.
Theo như một số người thì bánh bao Cả Cần là đặc sản của một tiệm nào đó ở miền Tây từ lâu đời và cũng có tiếng. Không biết do ai điềm chỉ mà Bà Năm Sa Ðéc đã tự mang nó lên Sài Gòn, để sống đắp đổi trong lúc nghề nghiệp chính là sân khấu của bà đang gặp cơn khủng hoảng.
Trong khi đó thì một người khác có lẽ quê hương ở miền Tây, biết rành rẽ hơn về bánh bao Cả Cần, và người này đã thương lượng với người sản xuất mua lại nhãn hiệu nói trên, mang lên khai thác ở Sài Gòn. Có điều là người này đã làm đủ mọi thủ tục mua bán món hàng đặc sản ấy, bằng cách đem nhãn hiệu “bánh bao Cả Cần” cầu chứng ở tòa thương mãi, xin giấy phép ở sở vệ sinh, đồng thời đem đi viện Pasteur phân chất kiểm nghiệm đàng hoàng, có nghĩa là chuẩn bị kỹ lưỡng cho cuộc làm hợp pháp.
Khi vấn đề pháp lý đã xong, thì người này một mặt trương bảng “Bánh Bao Cả Cần” thật lớn ở vùng Phú Nhuận, và mặt khác đưa Bà Năm Sa Ðéc ra tòa về tội mạo nhận nhãn hiệu và xin lệnh dẹp bảng của bà.
Cảnh sát Quận 5 thi hành án lệnh tòa, khiến Bà Năm Sa Ðéc kêu trời như bộng. Báo chí loan tin, nhiều cuộc phỏng vấn được lên báo đã khiến cho bánh bao Cả Cần nổi tiếng, và dĩ nhiên người có nhãn hiệu hợp pháp kia mỗi ngày bỏ tiền đầy túi, đếm mệt nghỉ ! Lúc bấy giờ người đi xe Honda dừng lại mua bánh bao từ sáng đến chiều, từ ngày đến đêm bán không kịp.
Riêng Bà Năm Sa Ðéc vì không có giấy phép phải dẹp bảng, mang nồi hấp bánh đem về nhà bán lén lút. Thế nhưng, người kia đâu để cho yên, mướn thám tử theo dõi và một lần nữa bà Năm bị lôi thôi, rắc rối.
Lúc bấy giờ có người hướng dẫn cho bà nhờ luật sư thưa ngược trở lại rằng bà là người “đi trước”. Nhờ báo chí bênh vực và tòa án cũng “thông cảm” nên cho Bà Năm Sa Ðéc được bán bánh bao Cả Cần trở lại song song với tiệm kia, và cũng phải xin giấy phép đóng thuế đàng hoàng. Thế là thời gian sau người ta thấy ở Sài Gòn có đến hai tiệm bánh bao Cả Cần là vậy.
Lúc bấy giờ có dư luận nói rằng nếu như không phải là Bà Năm Sa Ðéc bán bánh bao, mà là một người nào đó thì chẳng có chuyện gì hết, bởi bánh bao Cả Cần chẳng ngon gì hơn bánh bao của tiệm nước Chú Ba ở Chợ Lớn. Người kia đã nhắm vào cái nghệ danh “Bà Năm Sa Ðéc”để làm lớn chuyện, coi như một cách quảng cáo tinh vi, dùng tên tuổi của bà để mà hốt bạc vậy !
Tiện đây cũng nói thêm về tiểu sử, sự nghiệp của Bà Năm Sa Ðéc một nghệ sĩ nổi danh hằng mấy chục năm. Bà sinh năm Mậu Thân (1908). Có lẽ năm 1968 là năm tuổi đáo tuế của bà nên bị xui xẻo chăng? Thập niên 1930 bà theo gánh hát bội, rồi chuyển sang cải lương nổi tiếng với những vai trò diễn xuất tự nhiên mà người xem tuồng tưởng như thật: Vai bà mẹ chồng của cô Diệu trong tuồng Lá Sầu Riêng, và vai mẹ chồng cô Loan trong vở Ðoạn Tuyệt, cả hai vai đều là bà mẹ chồng sang trọng, trưởng giả, phong kiến….
Bà Năm Sa Ðéc là vợ của nhà khảo cổ Vương Hồng Sển, sống với ông từ 1947 đến 1988 thì qua đời tại Sài Gòn ở tuổi 81. Trong nghệ thuật sân khấu người ta rất hiếm khi tìm được một đào mụ nào xuất sắc như bà. Cái hay của Bà Năm Sa Ðéc là khi đến tuổi tứ tuần, bà từ chối các vai trẻ, mà rèn luyện vai già cho thích hợp, do đó mà bà nổi tiếng rất lâu. Chớ không như những đào già khác đã ngoài 60 mà vẫn còn đòi đóng vai gái 17, 18 gây khó chịu chướng mắt cho khán giả.
(Theo Triều Giang)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét