Ngôi đình do Nguyễn Văn Thoại (1761-1829) đứng ra xây dựng để thờ Nguyễn Hữu Cảnh (1650-1700). Có nhiều ý kiến khác nhau về năm xây dựng đình, song chỉ ở khoảng năm 1817 (năm ông nhậm chức Trấn thủ trấn Vĩnh Thanh) cho đến năm 1829 (năm ông mất).
Đình Châu Phú. |
Tương truyền, lúc đầu đình được dựng đơn sơ với mái lá, vách ván, nền đất, tọa lạc trong một khuôn viên rộng rãi, thoáng mát, nhiều bóng cây cổ thụ, mặt chính nhìn ra dòng sông Hậu, và có tên là đền Lễ Công, dân chúng quen gọi là đền Ông.
Sau đó, đình được bà Huỳnh Thị Phú (vợ Lê Công Thoàn) quan tâm coi sóc. Trong những năm 1838–1858, bà đã đứng ra tu sửa lại ngôi đền và xây nền gạch.
Sách Đại Nam nhất thống chí chép: "Đền Lễ Công ở thôn Châu Phú, huyện Tây Xuyên, thờ Nguyễn Hữu Kỉnh. Đền do Nguyễn Văn Thụy (tức Thoại Ngọc Hầu) dựng khi làm Trấn thủ, nay hương lửa vẫn như cũ, thường tỏ anh linh"...
Đây là ngôi đền được liệt vào danh mục thờ tự chính thống, phụng tự theo quốc điển thời nhà Nguyễn. Trong thời Pháp thuộc, như nhiều đền thờ khác, đền Lễ Công cũng bị đình hóa, tức trở thành đình thờ thần của làng, với tên gọi mới: Đình Châu Phú.
Gian thờ chính trong đình. |
Một sắc phong thần. |
Đến năm 1926, nhà cầm quyền Pháp ở tỉnh Châu Đốc quyết định di dời đình, để dựng lên nơi đó một bệnh viện (nay là Bệnh viện thị xã Châu Đốc). Bà Huỳnh Thị Phú và hương chủ Lan đứng ra vận động nhân dân đóng góp tiền của, để chuyển đình đến đầu chợ Châu Đốc, tức vị trí hiện nay.
Bởi công trình quá tốn kém, số tiền quyên góp và công quỹ của làng không đủ, chính quyền tỉnh phải tổ chức sổ xố Tombola để có thêm tiền xây dựng.
Từ đó đến nay, đã trải qua hơn 200 năm, tuy có sửa chữa, gia cố nhiều lần, nhưng vẫn giữ nguyên kiến trúc cũ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét