Thứ Hai, 20 tháng 5, 2013

Một số kinh nghiệm nhỏ khi bắt đầu phát triển blog


Trong thời gian qua mình có nhận thấy rằng nhiều bạn đã bắt đầu lên kế hoạch làm blog cá nhân cho riêng mình để cùng tham gia vào cộng đồng Blogger Việt Nam tuy bé mà chất này  :cheers: . Điều này rất đáng khích lệ vì dù bạn viết về chủ đề nào, kiến thức ít hay nhiều thì đó vẫn là những kiến thức chia sẻ quý giá cho những người cần nó, điều đó đóng góp rất quan trọng vào việc đóng góp phát triển nền tri thức nước nhà, đó cũng là điều mà mình luôn mong muốn trong cộng đồng blog Việt hiện nay.
Thể theo nhiều yêu cầu của nhiều bạn hỏi về cách phát triển một blog mới, mình xin chia sẻ một số kinh nghiệm nho nhỏ khi bắt đầu phát triển một blog mới mà mình đã tích cóp được sau nhiều lần phát triển blog thành công lẫn thất bại.

1. Tên miền không phải chuyện đùa

domain
Một trong những khó khăn ban đầu khi làm blog đó là nên chọn một tên miền nào đó thích hợp cho blog mà lại dễ nhớ đối với độc giả. Trước kia mình đã mất tận vài ngày để suy nghĩ tên miền khi làm blog và mình cũng công nhận là nó khá khó vì giữa hàng trăm nghìn cái tên lóe ra trong đầu khiến ta không biết nên chọn cái nào.
Nhiều bạn chọn tên miền khá hời hợt với những cái tên chẳng đâu vào đâu và điều hối hận sau này là muốn đổi sang tên miền khác, mà bạn biết đó, việc đổi tên miền khi blog đã có lượt truy cập không phải là chuyện giản đơn muốn làm là làm vì nó sẽ quyết định blog bạn phát triển tiếp hoặc một đi không trở lại.
Vì vậy lời khuyên của mình là khi có kế hoạch làm blog, hãy cân nhắc thật kỹ tên miền mà bạn sẽ dùng, xác định tính lâu dài của blog mà chọn tên miền thích hợp, chớ nên chạy theo sử dụng tên miền chứa từ khóa hòng đạt thứ hạng cao trên máy tìm kiếm mà bỏ quên tên thương hiệu của mình. Bạn thấy đấy, mình đâu cần bỏ chữ WordPress vào tên miền đâu mà nhiều người vẫn biết đây là blog về WordPress.  :haha:

2. Hãy đầu tư tốt nhất cho giao diện, logo của blog tốt nhất có thể

Mình đi ra ngoài đường thì người ta cũng sẽ nhìn vào bộ quần áo mà ta đang bận mà đánh giá người đó là giàu hay nghèo hay có quyền lực hay vớ va vớ vẩn. Blog cũng thế mà, bạn nghĩ xem, khi vào một blog mà giao diện lung tung, khó nhìn thì cũng chẳng còn hứng để mà đọc đúng không? Lúc đó thì nội dung của bạn dù có hay, có bổ ích đi chăng nữa nhưng ai mà biết khi chẳng ai muốn đọc nó?
Có một điều mà mình thường nhắc đi nhắc lại là blog mình nhiều người biết cũng nhờ giao diện, ban đầu người ta vào để ngắm giao diện Marketers Delight 2 đã được chỉnh sửa chứ chẳng phải để đọc, nhưng người ta vô nhiều lần, cộng thêm sự sáng sủa của giao diện nên nhờ đó họ có hứng thú đọc bài và họ phát hiện ra nội dung trên blog mình thật bổ ích, thế là thích thôi. Và mình nghĩ bạn cũng có thể làm như vậy, hãy cố gắng tạo một nét riêng cho giao diện của mình một cách tốt nhất có thể vì đó cũng là thương hiệu và hình ảnh của blog để nhiều người biết tới.
Thật sự thì việc chỉnh sửa giao diện không khó lắm đâu, bạn chỉ cần một xíu kiến thức về HTML và CSS là có thể tùy biến được rồi.

3. Xác định được nội dung chủ đạo

Kinh nghiệm phát triển blog mớiThời của blog/website tổng hợp thông tin đã không còn nữa rồi. Người dùng internet bây giờ đã có kinh nghiệm chọn các website chuyên về một nội dung nào đó để đọc những cái họ cần. Dĩ nhiên khi bạn tạo blog ra thì dù ít hay không bạn vẫn có một điểm mạnh mà có thể phát huy nó, vì thế hãy tận dụng điểm mạnh đó mà viết thành bài.
Hãy quên đi việc chạy theo các nội dung có phong trào, bạn chạy kịp với thiên hạ không? Đừng lo lắng là nội dung của mình không có người đọc, miễn là nó được bạn viết ra bằng kinh nghiệm, kiến thức được tích lũy là một thế mạnh rồi, về sau có khi chính thế mạnh đó làm blog bạn trở nên khác biệt. Hãy làm chuyên gia.
Lợi ích của việc viết tập trung vào một lĩnh vực là bạn sẽ có nhiều thời gian nghiên cứu về lĩnh vực đó hơn mà không cần phải tốn công suốt ngày lùng sục các nội dung mới để mà viết cho kịp với thiên hạ. Hơn nữa nội dung được viết ra bằng sự hiểu biết, thông thạo nó sẽ khác với nội dung được viết lại hay copy, đó là mấu chốt quan trọng để đưa blog lên một tầm cao mới.

4. Đừng vội quảng cáo blog quá sớm

Bao nhiêu bài là đủ để bắt đầu đi rêu rao cho thiên hạ biết blog của mình? Mình không chắc là bạn có cùng suy nghĩ với mình hay không nhưng mình luôn có một quan niệm rằng nếu người nào đó vào blog mình mà không có nội dung bổ ích thì họ sẽ khó mà quay lại lần thứ hai, vì họ đã biết rằng blog mình chẳng có gì hay ho cả.
Lúc phát triển blog Thạch Phạm này thì mình đã bỏ khoảng 1 tháng để viết nội dung liên tục mà không cho ai biết đến blog của mình dù là bạn bè thân thiết nhất, họa may lắm thì có một vài người biết từ Google thôi. Khi blog mình có khoảng 25 – 30 bài chứa đựng các kiến thức cơ bản nhất, mình mới bắt đầu đi quảng bá blog và quả không sai, khách vào và thấy nội dung ở đây có ích, đồ sộ nên đã bookmark lại.
SEO cũng vậy, đừng vội bắt đầu SEO blog khi chưa có nội dung vì họ vào mà thoát ra ngay thì chỉ tổ làm tỷ lệ Bounce Rate tăng lên vù vù mà thôi. Tốt nhất là hãy chắc chắn blog mình đã có những bài viết quan trọng đầu tiên rồi hẵng quảng bá nó.

5. Chuẩn bị sẵn lịch đăng bài và luôn có ít nhất 2 bài nháp.

Nếu bạn đã tham gia blog mình lâu rồi thì sẽ biết rằng trước đây mình luôn được nhiều người đánh giá cao vì blog có lịch đăng bài đều đặn, không quá nhanh cũng không quá chậm để độc giả phải chờ lâu hoặc bị bội thực nội dung. Lịch đăng bài quan trọng thế nào thì bạn có thể xem bài viết Đăng bài liên tục – Nên hay không? thì sẽ biết ngay.
Vì vậy trước khi quảng bá blog, hãy chắc chắn rằng blog bạn thuộc tuýp nào? Đăng bài đều đặn hay ít mà chất lượng và hãy làm mọi cách để độc giả biết lịch đăng bài trên blog để tiện theo dõi. Còn đăng bài ít mà không chất lượng thì thua luôn rồi.

6. Làm mọi cách để độc giả quay lại thường xuyên

Blog mới thì sẽ có thể nhiều người chưa quen lắm với blog của bạn nên rất khó để mỗi ngày họ đều truy cập vào, vì vậy việc hỗ trợ họ nhớ đến blog mình mỗi ngày luôn là việc làm cần thiết.
Bạn có thể thử một số cách như:
  • Thông báo cho độc giả biết mình có trả lời comment của họ.
  • Gửi mail thông báo các bài viết mới hoặc bài viết quan trọng, cái này khá là quan trọng nè.
  • Mời họ like Fanpage trên Facebook nếu có và mỗi ngày cập nhật status đều đặn trên Fanpage là oke vì bây giờ dân tình đầu tư lắm thời gian cho Facebook lắm ý.

7. Viết trang giới thiệu rõ ràng và một lời chào mời ở trang chủ

Để làm gì nhỉ? Thứ nhất là để cho độc giả mới dễ dàng xác nhận danh tính bạn là ai, vì ở trang giới thiệu có thể họ cần xem khả năng chuyên môn của bạn để biết được blog này có đáng tin cậy hay không và có đáng để họ phải theo dõi thường xuyên hay không. Còn lời chào mừng được sử dụng như một kim chỉ đường để cho họ biết blog mình có gì hay đang viết về cái gì. Nhiều chuyên gia blog cũng hay sử dụng lời chào mừng như một cách thêm tính hài hước cho blog.
Nếu được thì hãy viết một đoạn giới thiệu ngắn kèm hình ảnh thật ở bên sidebar hoặc chân trang của blog luôn nhé.

8. Đừng bao giờ quên RSS Feed

Kinh nghiệm phát triển blog mới
Thời buổi công nghệ hiện nay thì việc đọc tin qua RSS không còn xa lạ như trước kia nữa đâu. Rất nhiều người hiện nay lựa chọn cách nhận tin qua RSS để luôn chắc chắn rằng họ được theo dõi các bài viết mới một cách tiện lợi nhất mà phổ biến nhất có lẽ là cách sử dụng Google Reader để đọc tin mặc dù nó sắp ra đi trong vài tháng nữa.
Một cái icon RSS be bé chứa link dẫn tới link RSS trên blog và đặt nó vào một vị trí dễ nhìn thấy cùng các icon mạng xã hội luôn là một trong những cái không thể thiếu cho các blog chuyên nghiệp.

9. Chọn hosting chất lượngKinh nghiệm phát triển blog

Nếu bạn làm blog trên Blogspot hay WordPress.com thì có thể không quan tâm đến vấn đề này nhưng nó là vấn đề sống còn nếu bạn làm blog trên WordPress Self-Hosted. Lợi ích của việc chọn một hosting chất lượng là:
  • Tốc độ tải trang nhanh để không làm nản lòng độc giả.
  • Bảo mật an toàn để tránh bị mất dữ liệu lúc nào không hay.
  • Hỗ trợ tốt để chắc chắn blog bạn luôn chạy trơn tru, không lỗi.
  • Tiết kiệm được cả khối tiền để thử nghiệm các hosting kém chất lượng.
Còn nếu bạn có ý định làm blog nghiêm túc, lâu dài thì hãy quên đi việc dùng hosting miễn phí. Tiết kiệm tiền là tốt nhưng vấn đề quan trọng thế này thì mình khuyên bạn đừng tiết kiệm một cách thái quá, cũng giống như miếng ăn của bạn mỗi ngày thôi vì mình nghe những than vãn về việc dùng hosting miễn phí quen rồi mà có khi chưa kịp chuyển dữ liệu qua host mới thì host đã bị khóa rồi.

10. Sôi nổi tham gia các cộng đồng

Hãy dành thời gian rảnh rỗi để rảo qua các mạng xã hội hay blog khác có cùng nội dung để đóng góp bình luận có chất lượng hoặc trợ giúp người khác vì đó là phong cách của một người phát triển blog thành công, nghĩa là tôn trọng các mối quan hệ đang có và không ngừng phát triển nó để biến tên blog của mình trở thành một khái niệm quen thuộc đến nhiều người.

11. Luôn “show hàng” các bài viết quan trọng trên blog

Bạn thấy cột phải trên cùng của mình có khung hiển thị bài viết dành cho newbie không? Bạn cũng nên làm một khung như thế đi nếu blog bạn thuộc tuýp hướng dẫn một cái gì đó vì đôi khi việc tìm kiếm những nội dung quan trọng, sâu sắc không phải là chuyện dễ nên đừng để mình mất độc giả vì những điều ngớ ngẩn đó.
Ngay khi bạn vừa ra một bài viết hay (bài viết phải thật hay nhé) thì đừng ngần ngại bay vào các trang mạng xã hội và giới thiệu nó đến mọi người và chấp nhận mọi gạch đá nếu có xảy ra. Dân chơi mà, sợ gì.  :sure:

12. Phi thương mại không có nghĩa là bạn không cần tiền

Kinh nghiệm phát triển blog mới
Điều này có nghĩa gì nhỉ? Ừ thì bây giờ làm blog ra là phải mang khẩu hiệu “nội dung phi thương mại” và tất cả hoàn toàn miễn phí, điều đó rất tốt cho cộng đồng nhưng đừng bao giờ tự đeo cái gông vào cổ mình một cách nặng nề như vậy, hãy kiếm cách gì đó mà bạn có thể tạo ra thu nhập từ blog một cách chính đáng mà không ảnh hưởng nhiều đến người dùng (đừng có quảng cáo, popup lộn xộn là được). Ví dụ như mình cũng có một dịch vụ nho nhỏ để kiếm ít thu nhập nuôi blog mỗi tháng nè.
Đừng quên rằng có thực mới vực được đạo, dù bạn có đang là một người làm công ăn lương mỗi tháng nhưng số tiền đổ vào blog mỗi tháng chắc chắn sẽ tăng lên theo thời gian và đến một lúc nào đó bạn sẽ thấy nó trở thành một gánh nặng. Thay vì trông chờ vào sự đóng góp (donation) của độc giả thì cứ làm một dịch vụ hay sản phẩm nho nhỏ nào đó trên blog để kiếm tí cháo nuôi nó mỗi tháng, đó mới là cách phát triển blog lâu dài nhất.

Lời kết

Thật ra những điều quan trọng khi phát triển blog mới không dừng lại ở 12 điều bên trên nhưng mình nghĩ đó là những gì mà mình có thể chia sẻ được ngay lúc này và mình cũng nghĩ nó sẽ quan trọng với nhiều bạn có ý định triển khai blog, nhất là làm blog lần đầu.
Nếu có thêm bất cứ thắc mắc hay khó khăn nào khi phát triển một blog mới, đừng ngần ngại đặt câu hỏi bên dưới để mình có thể giúp đỡ bạn được một phần nào nếu nó nằm trong khả năng của mình hoặc đóng góp thêm ý kiến của riêng bạn nếu bài viết mình có thiếu sót. Chúc bạn sớm triển khai một blog thành công!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét